Quyết định này quy định chính sách về bảo hiểm y tế cho người dân; chuyển đổi ngành nghề; khai thác hải sản và hậu cần nghề cá, nghề - muối tại thị xã Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân.
Đối tượng áp dụng gồm tổ chức, người lao động và các nhân khẩu trong hộ có hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có tàu thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất nhỏ hơn 90CV; dịch vụ hậu cần nghề cá; nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường tại thị xã Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân.
Chính sách về hỗ trợ bảo hiểm y tế
Hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường thuộc đối tượng trên mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo các chính sách khác. Đối với trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm hộ gia đình hoặc nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng sẽ được hoàn trả lại số tiền bảo hiểm y tế do cá nhân đã đóng cho những tháng còn lại.
Thời hạn hỗ trợ từ ngày 01/7/2016 đến 30/6/2017.
Chính sách về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề
Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn thực hiện chuyển đổi ngành nghề (từ khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nghề khác) đối với các khoản vay giải ngân phát sinh trong thời gian từ 01/7/2016 đến 31/12/2016, thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Mức vay vốn hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ.
Chính sách khai thác hải sản, hậu cần nghề cá
Về đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản, được ngân sách hỗ trợ:
- Đối với tàu công suất từ 400CV/chiếc trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 300 triệu đồng.
- Đối với tàu công suất từ 250CV đến dưới 400CV/chiếc, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 200 triệu đồng.
- Đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 250CV/chiếc, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 100 triệu đồng.
- Khi vay vốn để đóng tàu; mua ngư lưới cụ; mua trang thiết bị: Hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm và bốc xếp hàng hóa trên tàu cá: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày Quyết định này có hiệu lực đến ngày 30/6/2021, với mức hỗ trợ 7%/năm cho 05 năm đầu tiên và 6%/năm cho 10 năm tiếp theo. Tổng mức hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 1.000 triệu đồng/một tàu.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu có công suất từ 90 CV trở lên, được hỗ trợ 0,5 triệu đồng cho 01 CV tăng thêm.
Thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cấp chứng chỉ, tối đa 1.600.000 đồng/người.
Hỗ trợ 100% kinh phí mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh kết nối với trạm bờ cho các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên 01 máy/01 tàu, tối đa không quá 30 triệu đồng.
Xây dựng hầm bảo quản sản phẩm khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90 CV trở lên, theo công nghệ vật liệu PU (Polyurethane), được hỗ trợ 5 triệu đồng/m3, tối đa 150 triệu/tàu.
Xây dựng mới cơ sở sản xuất nước đá (tại khu vực cảng cá và cửa biển đã được quy hoạch cảng cá) phục vụ khai thác thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở có công suất từ 10 tấn/mẽ đến dưới 20 tấn/mẽ, 200 triệu đồng/cơ sở có công suất từ 20 tấn/mẽ trở lên.
Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ (bảo hiểm mọi rủi ro) ngoài nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ với mức hỗ trợ 30% đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 10% đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Thời gian hỗ trợ là 5 năm, tính từ 01/7/2016 đến 30/6/2021.
Nguyên tắc, nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ
Các nội dung hỗ trợ quy định tại quyết định này trùng với các quy định hiện hành khác của Nhà nước thì tổ chức, cá nhân được lựa chọn mức hỗ trợ cao nhất.
Về nguồn kinh phí, UBND tỉnh quyết định tạm thời trích trước từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2016 để thực hiện và được hoàn trả nguồn dự phòng từ các nguồn đền bù của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Tổ chức thực hiện
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành: LĐTBXH, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, BHXH tỉnh và cơ quan liên quan xây dựng hướng dẫn liên ngành triển khai thực hiện quyết định;
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nâng cấp cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh; định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện chính sách.
Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương rà soát, thống kê, xác định đối tượng được hỗ trợ; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị.
Các sở, ngành: LĐTB&XH, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, BHXH tỉnh và Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, chủ động hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát các địa phương, đơn vị thực hiện; phối hợp Sở NN&PTNT xây dựng hướng dẫn liên ngành triển khai thực hiện quyết địn.
Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp các Sở: Tài chính, NN&PTNT; BHXH tỉnh; UBND các huyện, thị xã và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thống kê, rà soát, xác định đối tượng được hỗ trợ; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng thương mại thực hiện quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất thuận lợi nhất và đảm bảo khả năng trả nợ.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng đủ kinh phí cho các địa phương, đơn vị thực hiện; phối hợp với các Sở: NN&PTNT, BHXH, BHXH tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân chịu trách nhiệm rà soát, thống kê, tổng hợp, tổ chức thực hiện hỗ trợ cho người dân theo đúng đối tượng và mức hỗ trợ quy định tại quyết định; tuyệt đối không được lợi dụng chính sách làm trái quy định; nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra các sai phạm trong việc thực hiện hỗ trợ cho người dân thì Chủ tịch UBND, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, LĐTB&XH, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, BHXH tỉnh xem xét, tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định và điều kiện thực tế của địa phương.
(Theo Trang thông tin điện tử huyện Đức Thọ)
|